Đăng nhập
SỐNG TỈNH, QUYẾT NHANH, HÀNH ĐỘNG DỨT KHOÁT

Lượt xem: 1593

TỰ TRUYỆN CỦA MỘT YOGI


ĐỊNH LUẬT PHÉP LẠ

 

Tiểu thuyết gia lỗi lạc Leo Tolstoy đã viết một truyện kể dân gian thú vị, Ba ẩn sĩ. Bạn của ngài là Nicholas Roerich đã tóm lược câu chuyện như sau:

“Trên một hòn đảo nọ có ba ẩn sĩ. Họ giản dị đến mức lời cầu nguyện duy nhất của họ là: ‘Chúng con có ba người, Ngài là ba người - xin hãy thương xót chúng con!’. Những phép lạ lớn lao đã xuất hiện mỗi khi có lời cầu nguyện chân phương này.

Cuối cùng vị giám mục trong vùng nghe được chuyện về ba ẩn sĩ và lời cầu nguyện không thể chấp nhận được của họ, bèn quyết định đến gặp ba vị để chỉ cho họ những lời cầu nguyện cho hợp với giáo luật. Ông tới hòn đảo, bảo các ẩn sĩ là lời khẩn nguyện trời đất của họ không tôn nghiêm rồi chỉ cho họ nhiều bài cầu nguyện chính thống.

Đoạn giám mục lên tàu về. Ông thấy, theo sau con tàu, một vầng sáng chói lòa. Khi ánh sáng đến gần thì ông thấy ba vị ẩn sĩ, chắp tay và cưỡi sóng cố vượt nhanh hơn con tàu, ‘Chúng tôi quên mấy câu cầu nguyện ngài chỉ cho chúng tôi rồi’, họ la lên khi đến được chỗ vị giám mục, ‘nên tức tốc tìm theo nhờ ngài nhắc lại’. Vị giám mục kính sợ lắc đầu, ‘Các vị quý mến,’ ông khiêm cung đáp, ‘cứ tiếp tục sống với lời cầu nguyện cũ của các vị đi!’’’.

Ba vị ẩn sĩ đã cưỡi sóng bằng cách nào?

Chúa đã phục sinh thân bị đóng đinh của mình ra sao?

Lahiri Mahasaya và Sri Yukteswar làm phép như thế nào?

Khoa học hiện đại vẫn chưa có câu trả lời, dù rằng với sự ra đời của Thời đại Nguyên tử thì phạm vi tâm thức-thế giới bỗng chốc đã mở rộng. Từ “không thể” trở nên ít nổi bật hơn trong từ điển của nhân loại.

Kinh Vệ Đà chỉ ra rằng thế giới vật lý vận hành theo một quy luật nền tảng maya, nguyên lý tương đối và nhị nguyên. Thượng đế, Sự sống Duy nhất, là Nhất thể Tuyệt đối, để xuất hiện như những biểu thị riêng lẻ và muôn mặt của một sáng tạo Ngài đã khoác một tấm mạng hư ảo hay phi thực. Bức màn nhị nguyên huyễn hoặc đó là maya. Nhiều phát kiến khoa học lớn thời nay đã khẳng định tuyên bố giản dị này của các rishi đời xưa.

Định luật chuyển động của Newton là một định luật maya:

“Đối với mỗi lực tác động bao giờ cũng có một phản lực cùng độ lớn và ngược chiều, nói cách khác, các lực tương tác giữa hai vật bao giờ cũng có cùng độ lớn và ngược chiều”. Lực tác động và phản lực do vậy chính xác bằng nhau. “Lực không xuất hiện riêng lẻ. Phải có, và luôn có, một cặp lực cùng độ lớn và ngược chiều”.

Tất thảy các hoạt động tự nhiên căn bản đều để lộ cội nguồn maya của chúng. Ví dụ, điện là một hiện tượng đẩy và hút, các electron và proton là các đối vật về điện. Một ví dụ khác: nguyên tử hay hạt cuối cùng của vật chất, cũng như chính trái đất, là một nam châm có các cực âm dương. Toàn thể vũ trụ hiện tượng chịu sự thống trị không lay chuyển được của tính đối nghịch phân cực, không bao giờ có thể tìm thấy định luật vật lý, hóa học, hay bất kỳ khoa học nào thoát khỏi các nguyên lý đối lập hay tương phản nội tại.

Thế thì, khoa học vật lý cũng không thể hình thành các quy luật nằm ngoài maya: bản thân kết cấu và cấu trúc của sáng tạo.

Bản thân Thiên nhiên là maya, khoa học tự nhiên tất phải đối phó với bản chất không thể lẩn tránh được của nàng. Trong chính địa hạt của mình, nàng trường tồn và không thể nào cạn kiệt, các nhà khoa học trong tương lai chẳng thể làm gì hơn là thăm dò từng khía cạnh một trong cái vô tận muôn màu muôn vẻ của nàng.

Khoa học, vì vậy mà sẽ còn phải đổi thay không ngừng, không thể đạt đến đích cuối, thực ra đủ sức để khám phá các định luật của một vũ trụ đã tồn tại và vận hành nhưng lại bất lực không thể phát hiện được Đấng Làm Luật và Đấng Vận hành Duy nhất.

Các chứng minh to lớn về lực hấp dẫn và điện thì đã rõ, nhưng lực hấp dẫn và điện là gì, chẳng ai biết được.

Hàng phục maya là trách nhiệm mà các đấng tiên tri hàng ngàn năm đã trao cho nhân loại. Vượt lên trên nhị nguyên tính của sáng tạo và nhận thức được sự nhất thể của Đấng Sáng tạo được quan niệm là mục đích cao cả nhất của con người. Kẻ nào bám víu vào cái ảo ảnh vũ trụ thì phải chấp nhận quy luật đối lập cơ bản của nó: thăng và trầm, hưng thịnh và suy vong, ngày và đêm, lạc thú và đớn đau, thiện và ác, sinh và tử. Khuôn dạng có tính chu kỳ này sẽ khoác một vẻ nhàm chán giày vò nhất định khi con người đã đi qua vài ngàn lần đầu thai làm người, bấy giờ hắn mới bắt đầu đưa mắt đầy hy vọng nhìn quá những câu thúc của maya.

Vén bức màn maya là để lộ cái vi mật của sáng tạo. Do vậy, kẻ lột trần vũ trụ là nhà độc thần chân chính duy nhất. Hết thảy những kẻ khác đều đang lễ bái những tượng thờ ngoại đạo. Chừng nào con người còn bị lệ thuộc vào những huyễn hoặc nhị nguyên của Thiên nhiên thì Maya mang khuôn mặt Janus vẫn còn là nữ thần của anh ta, anh ta sẽ không thể thấy Thượng đế đích thực duy nhất.

Ảo giác thế gian, maya, thể hiện ở con người là avidya, nghĩa đen là “không có tri thức”, vô minh, ảo tưởng. Maya hay avidya không bao giờ có thể bị diệt bằng xác tín trí tuệ hay phân tích, mà chỉ bằng đạt được trạng thái nirbikalpa samadhi nội thể. Các nhà tiên tri Cựu Ước, và các nhà tiên tri mọi xứ sở và mọi thời đại, đều đã từ trong trạng thái tâm thức ấy mà tuyên thuyết.

Ezekiel đã nói: “Người ấy đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Israel từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang Đức Chúa”. Qua thiên nhãn trên trán (phía đông), yogi điều dẫn tâm thức mình vào sự hiện diện bao la trùm khắp, nghe thấy Nguyên Ngôn hay Aum, âm thanh thiêng liêng của “tiếng nước lũ”: những rung động ánh sáng hợp thành thực tại duy nhất của sáng tạo.

Trong vô vàn bí ẩn của vũ trụ, bí ẩn mang tính hiện tượng nhất là ánh sáng. Không giống như sóng âm thanh mà sự dẫn truyền đòi hỏi không khí hay các môi trường vật chất khác, sóng ánh sáng đi qua chân không hay khoảng không vũ trụ dễ dàng.

Ngay cả ête giả định, được tin là môi trường ánh sáng giữa các hành tinh trong lý thuyết sóng, cũng có thể bị bác bỏ trên cơ sở thuyết Einstein cho rằng các thuộc tính hình học của không gian làm cho lý thuyết về chất ête trở nên không cần thiết. Theo giả thuyết nào thì ánh sáng vẫn là tinh tế nhất, không phụ thuộc vào vật chất nhất trong tất cả biểu thị của tự nhiên.

Trong các khái niệm vĩ đại của Einstein, vận tốc ánh sáng - 186.300 dặm (299.800 km) một giây - ngự trị toàn bộ Thuyết Tương đối. Ông đã chứng minh bằng toán học rằng vận tốc ánh sáng, trong chừng mực đầu óc hạn hẹp con người biết được, là cái bất biến duy nhất trong một vũ trụ biến dịch. Mọi chuẩn thời gian và không gian của con người đều dựa vào “tuyệt đối” duy nhất là vận tốc ánh sáng. Không còn trường tồn một cách trừu tượng như đến nay vẫn quan niệm nữa, thời gian và không gian là những yếu tố tương đối và hữu hạn. Chúng tìm thấy những số đo-tính xác thực có điều kiện của mình chỉ khi có liên quan đến chuẩn vận tốc ánh sáng.

Khi nhập vào không gian với tư cách là một tính tương đối về chiều kích, thời gian giờ đã bị lột trần chân tướng: nó chỉ là một cốt lõi của sự mơ hồ. Bằng vài nét bút cân bằng phương trình, Einstein đã loại khỏi vũ trụ mọi thực tại cố định, chỉ trừ cái thực tại về ánh sáng.

Trong một khai triển về sau này là thuyết Trường thống nhất, nhà vật lý lỗi lạc đã tìm cách biểu thị gộp trong một công thức toán học định luật vạn vật hấp dẫn và định luật điện từ. Trong khi rút gọn cơ cấu vũ trụ về những biến số theo một định luật duy nhất, Einstein đã băng qua nhiều thế kỷ về với các rishi, những người đã khẳng định một kết cấu sáng tạo duy nhất: một maya biến ảo.

Những tiềm năng toán học khám phá ra nguyên tử cơ bản nảy sinh từ thuyết Tương đối có ý nghĩa to lớn. Các nhà khoa học lớn giờ đây mạnh dạn khẳng định rằng không chỉ nguyên tử là năng lượng chứ không phải vật chất mà năng lượng nguyên tử cơ bản là chất ý thức.

“Nhận thức thẳng thắn rằng vật lý học liên quan tới một thế giới của hình bóng là một trong những tiến bộ có ý nghĩa nhất.”, Tôn ông Arthur Stanley Eddington viết trong The Nature of the Physical World (Bản chất của thế giới vật lý), “Trong thế giới vật lý học, chúng ta quan sát màn trình diễn bóng ký của một vở kịch về đời sống quen thuộc. Cái bóng của khuỷu tay tôi dựa trên bóng cái bàn khi bóng mực chảy trên bóng giấy. Tất cả những điều ấy đều là biểu tượng, và nhà vật lý vẫn để nó đấy ở dạng biểu tượng. Thế là tới lượt nhà giả kim Trí tuệ biến hóa các biểu tượng... Kết luận một cách nôm na, vật chất của thế giới là chất ý thức”.

Cùng với phát minh kính hiển vi điện tử gần đây là bằng chứng rõ ràng về bản chất ánh sáng của nguyên tử và về tính nhị nguyên không thể thoát khỏi của thiên nhiên. The New York Times đã đưa ra bình luận sau về một sự trình diễn kính hiển vi điện tử vào năm 1937, trước một cuộc họp của Hiệp hội Thúc đẩy Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ: Cấu trúc tinh thể của vônfram, mà cho đến nay chỉ được biết một cách gián tiếp nhờ phương tiện là tia X, nổi rõ trên màn huỳnh quang, cho thấy chín nguyên tử ở đúng chỗ của nó trong tấm lưới không gian, một hình lập phương, mỗi nguyên tử ở một góc và một ở giữa. Các nguyên tử trong mạng tinh thể vônfram hiện ra trên màu huỳnh quang như những chấm ánh sáng, sắp xếp theo mô hình hình học. Trên nền khối tinh thể ánh sáng này, các phân tử không khí bắn phá có thể được quan sát thấy như những chấm ánh sáng nhảy nhót, tương tự như những chấm nắng lung linh trên mặt nước đang trôi...

Nguyên lý về kính hiển vi điện tử được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1927 bởi tiến sĩ Clinton J. Davisson và tiến sĩ Lester H. Germer ở phòng thí nghiệm Bell Telephone, thành phố New York. Họ đã nhận thấy rằng electron có tính hai mặt, hưởng cùng lúc các đặc trưng của hạt và sóng. Tính chất sóng cho electron đặc điểm của ánh sáng, và thế là một cuộc nghiên cứu đã được bắt đầu để sáng chế ra phương tiện “tập trung” các electron theo cách tương tự như tập trung ánh sáng bằng thấu kính.

Nhờ khám phá của mình về tính chất Jekyll-Hyde (tính chất hai mặt) của electron, cái... đã cho thấy rằng toàn thể giới tự nhiên mang tính nhị nguyên, tiến sĩ Davisson đã được trao giải Nobel về vật lý.

“Dòng tri thức”, Tôn ông James Jeans viết trong Mysterious Universe (Vũ trụ bí ẩn), “đang hướng về phía một thực tại phi cơ máy móc, vũ trụ bắt đầu trông giống một tư tưởng lớn, hơn là một cỗ máy khổng lồ”.

Khoa học thế kỷ hai mươi do vậy mà nghe như một trang kinh Vệ Đà cổ.

Thế thì, từ khoa học, nếu buộc phải vậy, hãy để con người học được cái chân lý triết học rằng không có vũ trụ vật chất, căn cơ của nó là maya, ảo giác. Khi được đem phân tích thì mọi ảo ảnh thực tại của nó vỡ tan. Khi mà, từng cái một, những trụ cột của một vũ trụ vật chất làm yên lòng người đổ sầm dưới chân con người, anh ta sẽ lờ mờ biết được lòng tin sùng bái của mình, việc anh ta trái Lệnh Trời: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”.

Trong phương trình nổi tiếng chỉ ra sự tương đương của khối lượng và năng lượng, Einstein đã chứng minh rằng năng lượng trong bất kỳ hạt vật chất nào cũng bằng khối lượng hay trọng lượng của nó nhân với bình phương vận tốc ánh sáng. Giải phóng năng lượng nguyên tử diễn ra do sự triệt tiêu các hạt vật chất. “Cái chết” của vật chất đã cho ra đời một Thời đại Nguyên tử.

Vận tốc ánh sáng là một đơn vị toán học hay hằng số không phải vì có một giá trị tuyệt đối 186.300 dặm một giây, mà vì không có vật thể vật chất nào, mà khối lượng tăng cùng vận tốc của nó lại có thể đạt đến vận tốc ánh sáng. Nói cách khác: chỉ một vật thể vật chất có khối lượng vô hạn mới có thể bằng vận tốc ánh sáng.

Khái niệm này sẽ đưa ta đến định luật phép lạ.

Các bậc thầy có thể làm hiện ra rồi làm mất đi thân mình và các vật thể khác, di chuyển với vận tốc ánh sáng, dùng các tia ánh sáng sáng tạo để làm hiện ra tức thì trước mắt bất kỳ hình thái vật chất nào thì đã thỏa đáp điều kiện hợp lệ: khối lượng của chúng là vô tận.

Tâm thức của một yogi đã thành tựu dễ dàng đồng nhất không phải với một xác thân hạn hẹp mà với cấu trúc vũ trụ. Lực hấp dẫn, dù là “lực” của Newton hay “biểu hiện quán tính” của Einstein, không thể nào buộc một bậc thầy trình ra tính chất của khối lượng: tình trạng trọng lực đặc trưng ở mọi vật thể vật chất.

Kẻ nào tự biết mình là Tinh thần hiện diện bao trùm thì không còn lệ thuộc vào những đòi hỏi khắt khe của một thân xác trong thời gian và không gian. Những cái “vòng không thể vượt qua” cầm tù nhường chỗ cho yếu tố hóa giải: Ta là Ngài.

“Phải có ánh sáng! Liền có ánh sáng”. Khi tạo ra hoàn vũ, mệnh lệnh đầu tiên của Thượng đế đã cho ra đời yếu tố cần thiết về mặt cấu trúc: ánh sáng. Trên các tia trong môi trường phi vật chất này, mọi thị hiện thiêng liêng xuất hiện. Tín đồ thời nào cũng đều chứng thực sự xuất hiện của Thượng đế như ngọn lửa và ánh sáng. “Mắt Người như ngọn lửa hồng,” thánh John cho chúng ta hay, “... mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi”.

Yogi bằng thiền định viên mãn đã thể nhập tâm thức với Đấng Sáng tạo, sẽ nhận thấy bản chất vũ trụ là ánh sáng (các rung động của năng lượng sống), với vị ấy thì không có sự khác biệt giữa các tia ánh sáng tạo thành nước và các tia ánh sáng tạo thành đất.

Ra khỏi tâm thức-vật chất, thoát khỏi ba chiều của không gian và chiều thứ tư là thời gian, một bậc thầy sẽ đưa thân ánh sáng của mình lên trên hay xuyên qua các tia sáng của đất, nước, lửa, và không khí dễ dàng như nhau.

“Nếu mắt sáng thì toàn thân anh sẽ sáng”. Một thời gian lâu dài định vào con mắt tâm linh giải thoát đã khiến yogi phá tan mọi huyễn hoặc liên quan đến vật chất và trọng lượng do hấp dẫn của nó, y sẽ thấy vũ trụ như Thượng đế đã tạo ra: một khối ánh sáng về cơ bản là đồng nhất.

“Các hình ảnh quang học,” tiến sĩ L. T. Troland ở Đại học Harvard cho chúng ta hay, “được hình thành trên cùng nguyên tắc như bản in khắc ‘nửa tông’ bình thường, nghĩa là, chúng được tạo thành từ các chấm hay khắc chấm li ti vô cùng nhỏ mà mắt không phát hiện được... Độ nhạy của võng mạc lớn đến mức một cảm giác thị giác có thể được tạo ra bởi khá ít lượng tử của đúng loại ánh sáng”.

Định luật phép lạ có thể được áp dụng bởi bất kỳ ai đã nhận ra rằng bản chất của sáng tạo là ánh sáng. Một bậc thầy có thể dùng cái biết siêu việt của mình về các hiện tượng ánh sáng để phóng chiếu tức thì các nguyên tử ánh sáng có ở khắp nơi thành các hóa hiện nhận thấy được. Hình thái thực sự được phóng chiếu ra (bất cứ là gì: một cái cây, một loại thuốc, một thân người) được quyết định bởi ý muốn của yogi, tâm lực và khả năng mường tượng của người đó.

Ban đêm con người bước vào trạng thái tâm thức-chiêm bao và thoát khỏi những giới hạn bản ngã giả tạo hàng ngày hạn chế y.

Khi ngủ, anh ta có một biểu hiện tái hồi về sự toàn năng của trí óc anh ta. Lạ chưa! trong mơ hiện ra bạn bè anh ta từ lâu khuất bóng, những châu lục xa xôi nhất, những cảnh thời thơ ấu sống động anh ta.

Cái tâm thức tự tại và vô điều kiện ấy, cái mà ai cũng đều thoáng trải qua trong một giấc mơ nào đó, là trạng thái thường hằng trong tâm thức của một bậc thầy đã hòa điệu cùng Thượng đế. Không biết đến động cơ cá nhân nào, và dùng ý chí sáng tạo mà Thượng đế trao cho mình, yogi sắp xếp lại các nguyên tử ánh sáng của vũ trụ để đáp lại bất kỳ lời cầu nguyện thành tâm nào của tín đồ.

“Thiên Chúa phán, Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.

Nhằm mục đích này mà con người và cuộc sáng tạo được tạo ra: để anh ta vươn lên là một kẻ chinh phục maya, khi biết quyền chi phối của mình đối với vũ trụ.

Năm 1915, không lâu sau khi tôi vào dòng Swami, tôi đã có một linh ảnh lạ lùng. Qua đó tôi mới hiểu tính tương đối của ý thức con người, và nhận ra rõ ràng tính nhất thể của Ánh sáng Vĩnh hằng đằng sau những nhị nguyên tính đau lòng của maya.

Linh ảnh xảy đến với tôi một buổi sáng khi tôi đang ngồi trong gian gác mái nhỏ của mình ở nhà cha trên đường Garpar. Đã nhiều tháng rồi Thế chiến I diễn ra ác liệt ở Châu Âu, tôi đang buồn bã đăm chiêu về con số chết chóc quá lớn.

Khi tôi nhắm mắt thiền định, tâm thức tôi bất chợt nhập vào thân một sĩ quan chỉ huy chiến hạm. Tiếng đại bác xé không trung khi pháo binh trên bờ biển và pháo trên tàu đang giao tranh. Một quả đạn pháo rất lớn nã trúng kho thuốc súng và xé tan chiến thuyền của chúng tôi ra thành từng mảnh. Tôi lao xuống nước, cùng vài thủy thủ sống sót sau vụ nổ.

Tim đập thình thịch, tôi đến được bờ an toàn. Nhưng than ôi! Một viên đạn lạc kết thúc đường bay trong ngực tôi. Tôi lăn ra đất rên rỉ. Toàn thân tôi tê liệt, vậy nhưng tôi vẫn ý thức được mình sở hữu nó, như người ta nhận biết một chân đã bị tê.

“Cuối cùng thì bước chân bí ẩn của Thần Chết cũng đã theo kịp mình rồi” tôi nghĩ. Với một tiếng thở hắt sau cùng, tôi sắp chìm vào mê man bất tỉnh thì ô hay! Tôi lại thấy mình ngồi kiết già trong phòng mình ở nhà trên đường Garpar.

Nước mắt giàn giụa khi tôi vui mừng đánh rồi véo tấm thân có lại được: một thân xác không có lỗ đạn trên ngực. Tôi lắc lư, hít vào thở ra để cho chắc là mình còn sống. Đang tự chúc mừng như vậy thì tôi lại thấy tâm thức mình nhập vào xác viên đại úy bên bờ biển nhuộm máu. Đầu óc tôi bỗng hoang mang bối rối tột cùng.

“Thượng đế hỡi,” tôi cầu nguyện, “con còn sống hay đã chết rồi?”.

Một ánh lung linh sáng lòa lấp kín cả tầm nhìn. Một rung động rì rầm tự biến thành câu này: “Sự sống hay cái chết thì có can hệ gì đến ánh sáng? Theo hình ảnh ánh sáng của Ta, Ta đã tạo ra con. Những tính tương đối của sự sống và cái chết thuộc về giấc mơ vũ trụ. Hãy nhìn hiện hữu không mộng mị của con đi! Tỉnh dậy đi, con của Ta, tỉnh dậy đi!”.

Như từng bước đánh thức con người, Thượng đế truyền cảm hứng cho các nhà khoa học khám phá ra, đúng nơi đúng lúc, những ẩn mật trong sáng tạo của Ngài. Nhiều phát kiến hiện đại đã giúp con người hiểu ra vũ trụ là một hóa hiện muôn mặt từ một quyền năng - ánh sáng, được thần trí dẫn dắt. Những điều kỳ diệu như phim điện ảnh, rađiô, truyền hình, rađa, tế bào quang điện - “mắt điện” lạ lùng, năng lượng nguyên tử, tất thảy đều dựa trên hiện tượng điện từ của ánh sáng.

Nghệ thuật phim điện ảnh có thể phô diễn một cách sống động bất kỳ phép lạ nào. Từ góc nhìn ấn tượng, không có điều kỳ diệu nào mà nghệ thuật nhiếp ảnh tài ba không làm được.

Ta có thể thấy một người như một cái vía trong suốt xuất khỏi thân phàm của y, y có thể đi trên nước, làm người chết sống lại, đảo ngược trình tự các diễn biến tự nhiên, và làm đảo lộn cả thời gian và không gian. Chuyên gia có thể ráp nối các hình chụp tùy ý mình, đạt được những phép lạ quang học tương tự như những phép lạ mà một bậc chân sư tạo ra bằng những tia sáng thực.

Phim điện ảnh, với những hình ảnh như thật của mình, soi rọi nhiều sự thật liên quan đến cuộc sáng thế. Đạo diễn Vũ trụ đã viết những vở kịch của chính Ngài rồi mời những diễn viên xuất sắc cho hoạt cảnh lịch sử hàng bao thế kỷ. Từ buồng tối vĩnh cửu, Ngài rọi những chùm tia sáng qua những tấm phim nhiều thế kỷ tiếp nối nhau, và thế là các hình ảnh được chiếu lên phông màn không gian.

Cũng như các hình phim có vẻ như thật nhưng chỉ là những sự kết hợp ánh sáng và bóng tối, thì cái muôn hình vạn trạng của vũ trụ xem chừng cũng phi thực. Các hành tinh, với vô số hình thái sống trên đó, chỉ là những bóng ảnh trong phim vũ trụ. Tạm thời thật trước tri giác ngũ quan con người, những cảnh phù vân được chiếu lên màn hình tâm thức con người bởi tia sáng tạo vô hạn.

Khán giả xem phim có thể nhìn lên và thấy là mọi hình ảnh trên màn hình hiện ra nhờ phương tiện là một tia sáng vô hình. Vở kịch vũ trụ đầy màu sắc tương tự bắt nguồn từ một ánh sáng trắng duy nhất của Nguồn Vũ trụ. Với sự khéo léo không thể nhận thấy, Thượng đế dàn dựng vở diễn “cực kỳ vĩ đại” cho con cái Ngài, biến chúng thành diễn viên cũng như khán giả ở nhà hát vũ trụ của Ngài.

Một hôm, tôi vào rạp chiếu bóng xem một phim thời sự về các trận đánh ở Châu Âu. Thế chiến I vẫn còn đang diễn ra ở phương Tây, cuốn phim thời sự trình chiếu cảnh trận mạc thực đến mức tôi rời nhà hát mà lòng nặng nề.

“Thượng đế hỡi,” tôi cầu nguyện, “sao Ngài lại cho phép khổ đau như vậy?”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi một lời đáp tức thì xuất hiện dưới dạng một linh ảnh về các trận đánh thực ở Châu Âu. Tính khốc liệt của những cảnh tượng, la liệt người chết và người đang hấp hối, vượt xa bất kỳ sự trình chiếu của bộ phim thời sự nào.

“Hãy nhìn kỹ!” Một Giọng nói dịu dàng cất lên với tâm thức tôi “Con sẽ thấy rằng những cảnh giờ đang diễn ra ở Pháp này chỉ là một trò phối hợp màu sắc sáng tối. Đó là phim vũ trụ, cũng thực và hư như phim thời sự trong nhà hát con vừa xem - một vở kịch lồng trong một vở kịch”.

Lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai. Giọng Thiêng tiếp tục: “Tạo vật là cả ánh sáng lẫn bóng tối, nếu không thì sẽ không thể có hình ảnh nào. Thiện và ác của maya vẫn phải luôn luân phiên nhau thống trị. Nếu niềm vui là bất tận trên cõi này thì con người có bao giờ ước mong cái gì khác? Không có khổ đau, hắn gần như sẽ chẳng màng nhớ lại rằng hắn đã từ bỏ mái nhà bất tử của mình. Khổ đau là để khơi gợi ký ức. Con đường giải thoát là bằng minh triết. Thảm kịch chết chóc là không thật, những kẻ run bắn lên vì nó thì cũng giống như một diễn viên u mê sợ chết giấc trên sân khấu khi chỉ bị một viên đạn giả bắn. Các con ta là con của ánh sáng, chúng sẽ không ngủ mãi trong mê lầm”.

Tôi đã đọc các giải thích kinh điển về maya, thế nhưng chúng không cho tôi cái thấy thấu suốt thâm sâu đi cùng những linh ảnh cá nhân và những lời khuyên giải. Những giá trị của con người sẽ thay đổi sâu sắc khi cuối cùng cả anh ta cũng tin rằng sáng tạo thế giới chỉ là một cuốn phim lớn, và rằng không phải trong nó, mà ngoài nó, mới là thực tại của chính anh ta.

Khi viết xong chương này, tôi ngồi kiết già trên giường. Căn phòng của tôi được hai ngọn đèn có chao soi mờ. Ngước nhìn lên, tôi thấy trần nhà lấm tấm những ánh sáng nhỏ màu mù tạt, nhấp nháy và run run với vẻ rực rỡ như rađi. Muôn vàn những chùm tia, như màn mưa, tụ lại thành một tia sáng trong suốt rồi lặng lẽ trút xuống tôi.

Tức thì thân thể xác thịt của tôi mất đi tính thô lậu và bắt đầu biến kết thành cấu trúc siêu nhiên. Tôi cảm nhận được cảm giác bay bổng khi, hầu như không chạm vào giường, cơ thể không trọng lượng di chuyển nhẹ và luân phiên qua trái rồi qua phải. Tôi nhìn quanh căn phòng, đồ đạc và vách tường vẫn như mọi khi, nhưng cái khối ánh sáng nhỏ đã lớn đến không còn thấy được trần nhà. Tôi sững sờ. “Đây là máy chiếu phim vũ trụ” Một Giọng nói như thể từ bên trong ánh sáng vọng ra. “Chiếu tia sáng của nó lên màn ảnh trắng là khăn trải giường của con, nó sẽ tạo ra hình ảnh thân con. Hãy nhìn đi, hình hài con chỉ là ánh sáng!”.

Tôi nhìn ngây hai cánh tay mình rồi vung tay, vậy nhưng cũng không thể cảm thấy trọng lượng của chúng. Niềm hoan hỉ ngập tràn trong tôi. Cuống ánh sáng vũ trụ, nở hoa là thân tôi, tựa như một bản sao thần thánh của những chùm ánh sáng tràn ra từ phòng chiếu trong một rạp hát và rọi hình lên màn ảnh.

Tôi xem cuốn phim này về thân mình một lúc lâu trong nhà hát mờ đèn là chính phòng ngủ của tôi. Dù tôi đã có nhiều linh ảnh, nhưng chưa có linh ảnh nào lạ thường hơn. Khi ảo tưởng về một thân xác thực hữu đã tiêu tan rồi, và khi tôi nhận thức được sâu xa hơn rằng thực tính của mọi vật thể là ánh sáng, tôi ngước lên dòng lifetron dao động mà khẩn khoản.

“Ánh sáng Thiêng hỡi, xin hãy thu lại cái này, hình ảnh xác thân hèn mọn của con, vào trong Ngài, như Elijah lên trời trong cỗ xe đỏ như lửa”.

Lời cầu xin này rõ là gây sửng sốt, tia sáng biến mất. Thân thể tôi lấy lại trọng lượng bình thường rồi hạ xuống giường, chùm ánh sáng lóa trên trần nhà lập lòe rồi tan mất. Thời khắc tôi phải từ giã từ cõi đời này rõ ràng là vẫn chưa tới.

“Còn nữa,” tôi suy ngẫm triết lý, “Elijah dám phật lòng vì sự tự phụ của mình lắm!”.

 


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

CÁC BÀI MỚI HƠN

CÁC BÀI CŨ HƠN

phm2019

Phan Hùng Mạnh

cool 098.887.0011 money-mouth

hungmanhxnk@yahoo.com

  • 'Giật gân' về sự lạc hậu của y tế

    TTO - Bước vào cuộc cách mạng 4.0 rồi mà ngành y tế lại tỏ ra rất lạc hậu. Đó là chuyện các bệnh viện chẳng được kết nối mạng, chẳng liên thông trong khám BHYT.

  • Tham nhũng vặt luôn có mặt trên từng cây số

    TTO - Tham nhũng vặt luôn có mặt trên từng cây số, tuy nhiên Ban Nội chính trung ương cho biết “công tác phòng chống tham nhũng vặt còn hết sức khiêm tốn”.

  • Đảo Ngọc ngập nhờ... nước

    TTO - Tóm lại, nguyên nhân cuối cùng của việc ngập là do NƯỚC...

  • Luật 'đá' luật

    TTO - Về chuyện “luật đá luật”, Phó thủ tướng chua chát nhận xét “thiếu nhạc trưởng nên mạnh ai nấy làm, chạy đua xây dựng pháp luật để rồi luật này phủ nhận luật kia”.

  • Xứ hoa thành 'xứ họa'

    TTO - Trận lũ vừa qua ở Đà Lạt - Lâm Đồng khiến dân chúng bàng hoàng, chưng hửng. Cao nguyên yên bình bỗng dưng tan hoang trong lũ dữ. Xứ hoa bỗng một ngày tai họa đổ xuống thành “xứ họa”.

  • Hành khách 'đại náo' bằng miệng khiến Tề Thiên cũng phải bái phục

    TTO - Chùm tranh biếm họa về nữ hành khách "đại náo" cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

  • Nhà máy thủy điện không phép!

    TTO - Sau hàng chục năm xây dựng và đưa vào hoạt động, người ta mới phát hiện các sai phạm khủng của Nhà máy thủy điện Tà Thàng. Té ra nhà máy này không có giấy phép xây dựng, không được kiểm tra chứng nhận chất lượng.

  • Khi đại dương lên tiếng

    TTO - Biếm họa về rác thải nhựa của họa sĩ Tuổi Trẻ Cười

  • 5 năm rưỡi không tiếp dân ngày nào!

    TTO - Theo quy định, hằng tháng lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh đều phải tiếp công dân và các vị trí lãnh đạo sau ba năm phải chuyển đổi.

  • Mạng người chả quý bằng xe

    TTO - Ôtô cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận có nhiệm vụ chuyển bệnh nhân bị chấn thương đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

  • Biếm họa: Tội nghiệp thằng ống hút...

    TTO - Tại sao "đại ca rác thải" không hề lo sợ trước phong trào chống rác thải nhựa?

  • Biếm họa: chọn ngành hay để ngành chọn mình?

    TTO - Cứ mỗi mùa xét tuyển đại học, phụ huynh và thí sinh lại đau đầu với việc lựa chọn ngành học. Chọn ngành mình đam mê hay ngành dễ kiếm tiền hay ngành sang chảnh...?

  • Cử tri nhớn nhác hỏi nhau: Đại diện của tớ đi đâu mất rồi?

    TTO - Kỳ họp Quốc hội là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tuy nhiên mỗi ngày đều vắng khoảng 30 người, cá biệt có phiên biểu quyết vắng trên dưới 100 đại biểu. Lắm hôm có đoàn vắng tới 50% (Đoàn TP.HCM, Đoàn Hà Nội).

  • Xe công việc tư

    TTO - Đám cưới con trai bà trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng được tổ chức hoành tráng trong ba ngày với hàng ngàn thực khách và nhiều xe biển xanh tham dự.

  • Biếm họa "thể thao khiêu dâm"

    TTO - Môn thể thao nào được gọi là khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục? Không ai biết được. Thậm chí, ngay cả bộ VH-TT&DL - đơn vị xây dựng nghị định này, cũng khá mơ hồ về danh mục môn thể thao chứa yếu tố trên.

  • Mày biết tao là ai không?

    TTO - Chùm tranh biếm họa về những kẻ cậy quyền, cậy tiền hành xử ngang ngược, coi thường pháp luật. Đặc điểm nhận dạng của họ là câu nói cửa miệng "Mày biết tao là ai không?"

  • Lọc lừa có bữa cá tra 'phản thùng'

    TTO - Cá tra có hình dạng tương tự cá ba sa nhưng không được người tiêu dùng chuộng bằng cá ba sa (cá tra bị e ngại “ăn tạp” và thịt không ngon bằng).

  • Chờ đủ kinh nghiệm, 'thôi rồi Lượm ơi!'

    TTO - Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (Lào Cai) xả lũ ẩu (không báo trước và xả đồng thời cả bốn cửa xả trong đêm) đã làm sập cầu, cuốn trôi tài sản, gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng hạ lưu.

  • Luật lệ lỏng lẻo béo cho kẻ lừa

    TTO - Lợi dụng kẽ hở của Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, vừa qua nhiều công ty lập dự án ma trên đất nông nghiệp để lừa đảo khiến hàng ngàn người mất trắng tiền đặt cọc.

  • Tham nhũng vặt 'có mặt trên từng cây số'

    TTO - Chính phủ đã tuyên chiến với tham nhũng vặt, đã chỉ ra những tác hại nguy hiểm của tham nhũng vặt.

  • Vì sao chúng ta cần phải học tiếng Anh

    TTO - Nhìn từ ngoài, tiếng Anh là một ngôn ngữ không thể quan trọng hơn trong lúc này. Người nhập cư từ một quốc gia sang một quốc gia khác, chắc chắn phải cần tiếng Anh. Có người nước ngoài nào sang Việt Nam mà không nói được tiếng Anh là một ví dụ.

  • Tiếng gáy con gà trống làm "dậy sóng" nước Pháp

    TTO - Con gà trống ấy tên Maurice, gọi nôm na là Momo, cứ vô tư gáy đều đều mỗi sáng trên đảo Oléron ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước Pháp. Cho tới ngày nọ, có hai ông bà hàng xóm thấy khó chịu...

  • Xây sân bay 'thỏa mãn khâu oai'

    TTO - Trừ sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có thu lãi, hầu hết 19 sân bay khác trong tình trạng hòa vốn hoặc thua lỗ.

  • Biếm họa 'cấp cứu' cấp cứu vì quá tải

    TTO - Không khí ngột ngạt bao trùm bởi người bệnh, thân nhân và tiếng còi xe cứu thương... là tình trạng chung khoa cấp cứu của nhiều bệnh viên công.

  • Triệt mà vẫn để đến trời cũng thua

    TTO - Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn để tham gia giao thông.

  • Công ty bị thanh tra, kiểm tra đến 138 lần!

    TTO - Công ty Phi Long bức xúc phản ảnh lên lãnh đạo TP.HCM khi bị thanh tra, kiểm tra đến 138 lần.

  • Biếm họa: Buồn vui với kết quả thi THPT

    TTO - Cảm xúc vui buồn của sĩ tử trước và sau khi công bố điểm thi THPT cũng như điểm xét tuyển đại học 2019

  • 'Giải pháp chống ngập bằng lu' qua con mắt họa sĩ biếm

    TTO - Chùm tranh biếm họa về cái lu và công dụng chống ngập qua con mắt họa sĩ biếm Tuổi Trẻ Cười.

  • Biếm họa về 'đại gia điếu cày'

    TTO - Với hàng loạt sai phạm diễn ra trong nhiều năm gần đây, ông Lê Thanh Thản đã bị khởi tố để điều tra hành vi lừa dối khách hàng.

  • Kê khai theo kiểu tùy tâm

    TTO - Trong giai đoạn 2013-2018, vợ chồng viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Đà Nẵng sở hữu 11 lô đất nhưng chỉ kê khai có 2, ém đi 9 lô.

Cấu hình RSS2 để sử dụng chức năng này

Mục nào bạn thích nhất trong website này?
Nghệ thuật sống
Giáo dục con
Clips for life
Suy ngẫm
Sức khỏe

2019_us_dollar_1m

Tự tạo website với Webmienphi.vn