Không phải cứ đọc sách nhiều là giỏi giang, là thành công trong cuộc sống.
Cách bạn đọc sách quan trọng hơn số lượng cuốn sách bạn đọc.
Trước đây tôi từng là một tên ‘mọt sách’, đến nỗi những người thân quen còn khuyên tôi rằng ‘lý thuyết’ vừa thôi.
Tôi ghi nhận và cám ơn lời khuyên chứ không làm theo, bởi tôi biết mục đích từng hành động của mình, và bởi họ không phải tôi.
5 năm nay tuy không còn đọc sách nhiều, chỉ đọc những cuốn mang tầm quốc gia như ‘Quốc gia khởi nghiệp’… Nhưng tôi biết những thành công của tôi ngày hôm nay phần lớn là do tri thức từ sách mà ra.
Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng bạn 7 bí kíp đọc sách để tạo ra hiệu quả như ý.
- Đọc vì niềm đam mê, sở thích, hứng khởi
Có rất nhiều người đọc sách chỉ để cho thế giới tưởng mình là người tri thức.
Cũng có nhiều người bị ép đọc sách, thậm chí tự ép mình đọc sách vì niềm tin rằng đọc sách sẽ thông minh hơn, hiểu biết, thành đạt hơn…
Những kiểu đọc sách gượng ép, ‘nhồi sọ’ như trên cũng giống như cố gắng đẩy tạ khi chưa khởi động làm nóng cơ thể. Kết quả sẽ là bị căng cơ, bó cơ, thậm chí đứt dây chằng. Tương tự, đọc sách kiểu vậy sẽ dẫn đến rối thông tin, loạn kiến thức, hoang mang, ảo tưởng, stress.
Ngay cả những cuốn sách ‘best seller’ cũng không phải thứ để cố gắng nhồi vào sọ. ‘Best seller’ có nghĩa là người bán cuốn sách đó rất giỏi bán chứ không đồng nghĩa rằng đó là cuốn sách hay, giá trị.
Đọc sách thông minh và hiệu quả thì cần phải có một tâm trạng đúng để đọc sách. Đọc sách khi thật thư thái, và quan trọng là thực sự có hứng thú với cuốn sách đó.
- Đọc để lọc bỏ bớt kiến thức
Nhiều người lầm tưởng rằng đọc sách càng nhiều thì kiến thức càng nhiều. Những chuyên gia đọc sách và có cuộc sống thành đạt thì nghĩ ngược lại. Họ càng đọc sách nhiều thì thông tin, kiến thức càng bớt đi, và nó cô đọng lại thành tinh túy tri thức – một nền tảng kiến thức rất sâu trong những lĩnh vực cụ thể mà họ quan tâm, yêu thích.
5 năm nay tôi gần như không còn đọc sách nữa vì hầu hết các cuốn sách trong nhà sách tôi đã đọc xong, nội dung gần như giống nhau, chỉ khác về cách diễn đạt. Sau 10 năm nghiền sách, tôi thậm chí còn viết ra 2 cuốn sách dành riêng cho tôi, nội dung là tất cả những gì cô đọng lại từ hàng nghìn cuốn sách tôi đã đọc. Một cuốn về tâm linh và một cuốn về nghệ thuật sống.
- Đọc chậm, đọc lại nhiều lần
Đọc sách là đọc cho mình chứ không phải đọc cho người khác. Đọc sách cũng không phải cuộc thi xem ai đọc nhanh, đọc nhiều.
Tôi từng thấy một vài quảng cáo về khóa học ‘Bí kíp đọc sách nhanh’. Đương nhiên tôi không tham gia vì nghe thôi là thấy muốn cười không ngậm được miệng rồi. Đọc sách mà phải đọc nhanh để làm gì??? Chạy chỉ tiêu hay chứng tỏ mình đọc được nhiều sách???
Tôi đọc mỗi cuốn sách khoảng … 1 tháng, thậm chí có cuốn 1 năm. Mỗi ngày đọc một chương và không phải ngày nào cũng đọc. Mỗi chương đọc cẩn thận từng từ, từng câu như nuốt chúng vào não.
Tuy nhiên, có những cuốn sách sau khi đọc xong lời tựa, mục lục mà không thấy hấp dẫn thì tôi sẽ đọc lướt nhanh vài trang của một chương nào đó để xem cuốn sách đó có đáng đọc hay không.
Đối với những cuốn sách tâm đắc, tôi đọc lại ít nhất 2 lần. Đương nhiên, những lần đọc sau sẽ đọc nhanh để lọc ý.
- Ghi chú, tóm lược những nội dung, ý tưởng phù hợp với bản thân
Để thực sự giữ lại được những giá trị tinh túy của cuốn sách, mỗi khi có được ý hay hoặc ý tưởng nào đó từ cuốn sách tôi sẽ ghi ra giấy hoặc đánh máy để lưu file. Sau đó tạo thành một bản tóm tắt, kết luận cho riêng mình.
Ví dụ, sau khi đọc xong cuốn ‘Bí mật tư duy triệu phú’ tôi rút ra được 3 nội dung tâm đắc nhất vì phù hợp với tôi:
- Một trong những bí quyết dẫn đến tự do tài chính là đơn giản hóa cuộc sống. Sống đủ, sống không lãng phí sẽ giàu.
- Bí quyết để hình thành cuộc sống tự do tài chính là chia các khoản thu nhập thành 7 tài khoản, cân bằng thu – chi – đầu tư. 7 tài khoản này sẽ giúp bạn vừa đủ tiền tận hưởng cuộc sống, vừa giúp tiền của bạn tiếp tục đẻ ra tiền.
- Bạn làm một việc như thế nào thì bạn sẽ làm mọi việc như thế. Thế nên, cần bỏ ngay cái tư duy "chỉ việc này thôi", "đây là việc nhỏ thôi"...
Hoặc ví dụ về cuốn ‘Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs’ tôi cũng rút ra được 3 bài học rất tâm đắc:
- Trang phục phù hợp với bối cảnh, với người thuyết trình. Trang phục khi đàm phán với đối tác khác với khi nhảy múa quay cuồng trên sân khấu.
- Nói bằng ngôn ngữ của người nghe. Trong khi rất nhiều hãng công nghệ tốn rất nhiều tiền quảng cáo những thông số kỹ thuật siêu việt của sản phẩm mình, Steve Jobs dùng một mô tả bất hủ để giới thiệu Ipod: “1.000 bài hát trong túi bạn”.
- Con số 3 quyền năng. Số 3 là số không quá nhỏ mà cũng chẳng quá lớn, nó giúp người nghe không hụt hẫng vì quá ngắn mà cũng không bị chán vì quá dài.
- Đọc đến đâu ứng dụng ngay đến đấy
Lý do tôi đọc sách rất lâu, có cuốn đọc đến cả năm như cuốn ‘Nhân tố Enzym’ là vì tôi vừa đọc vừa thực hành.
Đọc xong một chương, nếu còn thời gian và hứng thú thì đọc tiếp chương tiếp theo. Nhưng thường thì tôi chỉ đọc một chương rồi gấp lại, ngay sau đó áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, vào các buổi họp, vào các buổi training, vào các buổi chia sẻ, vào công tác quản lý kinh doanh, nhân sự…
Ví dụ, khi đọc xong chương về công thức ăn 85% thực vật, 15% động vật, tôi dừng ở đó và thực hành gần nửa năm mới đọc chương tiếp theo.
Đọc mà không ứng dụng triệt để vào trong cuộc sống thì chỉ là ‘con mọt sách’ với mớ lý thuyết suông, lý thuyết của người khác.
- Chia sẻ
Đọc xong rồi thực hành những nội dung cuốn sách là bạn đã biến 70% kiến thức trong đó thành của mình. Và để 100% kiến thức thành của mình thì bạn cần thêm bước quan trọng, đó là chia sẻ với người khác.
Khi chia sẻ kiến thức với khác có 2 chiều, chiều thứ nhất là bạn đang tự ôn lại kiến thức của mình, chiều thứ hai là bạn sẽ nhận lại được nhiều phản hồi tích cực giúp bạn mở rộng tư duy hơn về kiến thức đó.
Có rất nhiều cách để chia sẻ kiến thức. Cách tôi thường làm là viết bài, training, thảo luận với bạn bè có cùng mối quan tâm.
- Tặng hết sách
Đây hoàn toàn là quan điểm và cách làm của riêng tôi. Mỗi khi đọc xong sách, tôi thường tặng luôn cuốn sách đó cho người khác. Tất nhiên là tặng những người mà tôi biết họ thích đọc cuốn sách đó.
Thói quen tặng hết sách bởi tôi quan niệm rằng đó là sức ép khiến tôi buộc phải đọc và ứng dụng cuốn sách đó một cách hiệu quả nhất. Và nếu đã thực sự thẩm thấu cuốn sách rồi thì giữ lại làm gì? Trưng trên giá sách đồ sộ để khoe mình là người tri thức???
Tặng sách cũng là một cách chia sẻ, lan tỏa tri thức một cách thông minh, hiệu quả nhất.
Người gửi / điện thoại
|
Phan Hùng Mạnh 098.887.0011 hungmanhxnk@yahoo.com |
|
Mục nào bạn thích nhất trong website này?
Nghệ thuật sốngGiáo dục con Clips for life Suy ngẫm Sức khỏe |